Tưởng chừng những nơi này không tồn tại sự sống nhưng vẫn có các bộ lạc đã gắn bó lâu đời bằng việc học cách thích nghi và tồn tại.
Nơi chỉ cần hít thở không khí bên ngoài cũng gây chết người vì lạnh
Oymyakon (Nga) là nơi có người ở lạnh nhất Trái Đất. Tại đây, nhiệt độ xuống tới gần âm 68 độ C vào mùa đông. Chỉ cần hít thở không khí bên ngoài cũng có thể gây chết người vì phổi của bạn sẽ bị đóng băng. Mặc dù vậy, người Yakut đã gắn bó với Oymyakon từ thế kỷ 13.
Để có thể sống ở đây, người dân địa phương không dùng các loại vải hiện đại mà thay vào đó, họ sử dụng len merino và lông động vật bởi các chất liệu này có khả năng đàn hồi cao. Họ sử dụng kính bảo hộ làm từ móng động vật để chống chọi trước những trận bão tuyết có sức gió lên đến hơn 160km/h.
Người Yakut cũng tuân theo chế độ ăn đặc biệt gồm thịt bò, sữa tuần lộc và sữa ngựa nhằm làm chậm quá trình trao đổi chất và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Vùng đất nóng nhất thế giới
Trái ngược với Oymyakon, Dallol Ethiopia lại là một trong những vùng đất nóng nhất thế giới và được mệnh danh là "Cổng Địa ngục". Cách Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia 483km, nhiệt độ tại đây thường xuyên tăng cao trên 38 độ C và đỉnh điểm có thể lên tới gần 63 độ C. Dallol nằm trên một ngọn núi lửa đang hoạt động. Chỉ cần đứng yên tại chỗ vài phút, đôi giày dưới chân có thể bị nóng chảy.
Dallol là nơi sinh sống của người Afar. Họ là dân du mục và thường di chuyển khắp vùng vào ban đêm, khi trời mát hơn, để thu thập muối. Thức uống hàng ngày của người Afar là sữa bò hoặc sữa dê, giúp chống mất nước và bổ sung các chất điện giải.
Để thích ứng với khí hậu, người Afar sáng tạo ra một kiểu sơn đặc biệt có khả năng phản chiếu ánh nắng mặt trời. Họ cũng tận dụng nhiệt độ cao để ủ phân đun sôi nước và diệt vi khuẩn trong nước.
Nơi ẩm ướt nhất thế giới
Nằm ở phía đông bắc Ấn Độ sát biên giới Bangladesh, Mawsynram là nơi ẩm ướt nhất có người sinh sống. Ở đó, trong những khu rừng nhiệt đới tươi tốt dưới chân dãy núi Himalaya, gió và hơi ẩm bị mắc kẹt gây mưa nhiều. Lượng mưa hàng năm ở Mawsynram và các khu vực lân cận là hơn 1.270cm, gấp khoảng 10 lần so với các thành phố lớn của Mỹ như Seattle, Washington và New York. Mùa mưa ở Mawsynram kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Lượng mưa có thể lên tới hơn 1,5m/ngày.
Garos và Khasis là hai bộ tộc sinh sống trong khu vực này. Người dân nơi đây đã học cách làm cầu bằng sợi đay và tạo ra áo mưa từ sợi tre. Họ cũng sử dụng các kỹ thuật xây dựng tránh lở đất, chẳng hạn như các tầng được xây cao hơn so với mặt đất.
Sa mạc khô hạn nhất
Gần như khô hạn đến mức khó tin, một số khu vực ở đây chưa từng thấy mưa trong hơn 400 năm qua. Tuy nhiên, nơi này vẫn tồn tại sự sống. Bộ lạc Atacameno đã sinh ra và lớn lên ở đây, chiến đấu với sự hà khắc của mẹ thiên nhiên trong hàng thế kỷ. Họ tập trung ở ngôi làng trung tâm của khu vực là San Pedro de Atacama.
Địa hình của sa mạc Atacama được ví như sao Hỏa. NASA đã tiếp cận sa mạc này để thử nghiệm các thiết bị mới phục vụ mục đích nghiên cứu sự sống trên sao Hỏa. Không giống những loại đất khác trên Trái Đất, đất ở đây quá khô nên không có bất kỳ sinh vật sống nào. Những người nông dân thông minh đã nghĩ ra cách đặt sừng của những con gia súc mới giết mổ dưới mặt đất để thu hút côn trùng đến bón đất. Điều này giúp tăng năng suất cây trồng lên tới 75%.
Những người Atacameno thậm chí còn có thể tạo ra nước từ không khí. Họ thu hoạch nước từ sương mù bằng cách giăng các tấm lưới bắt sương dùng để giữ độ ẩm trong không khí và cung cấp nguồn nước có thể sử dụng được.
Thảo Lê
Theo Treehugger