Oliver Coghlan, 23 tuổi, cho biết đã ngừng sử dụng Facebook thường xuyên từ hơn 3 năm qua và đang xem xét xóa ứng dụng trên smartphone.
Coghlan nói vẫn giữ Facebook để xem sinh nhật bạn bè. "Tôi chưa xóa, nhưng sẽ sớm thôi. Tôi không thích hành vi độc quyền của Facebook", Coghlan, sinh viên người Anh tại Hà Lan, nói.
Facebook, Instagram và WhatsApp là ba nền tảng mà Facebook đang quản lý, trong đó Instagram thu hút nhiều người dùng trẻ nhất. Ảnh: Reuters
Anh cảm thấy nền tảng này không còn là nơi tin tưởng để chia sẻ cuộc sống sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cộng với sự tức giận của người dùng trực tuyến khi đó, anh không muốn dành nhiều thời gian cho nền tảng của Mark Zuckerberg nữa.
Coghlan nằm trong nhóm người dùng mà Facebook hay Instagram nhắm tới. Thế nhưng, theo tài liệu nội bộ mà "người thổi còi" France Haugen công khai, mạng xã hội này đang phải vật lộn để giữ chân người dùng trẻ.
"Facebook hiểu rằng nếu muốn phát triển, họ phải tìm kiếm người dùng mới", Haugen nói trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 5/10.
Nghiên cứu do chính Facebook thực hiện chỉ ra, các nền tảng của công ty đang gặp phải vấn đề "nhân khẩu học" khi người dùng trẻ ở những nơi có nền kinh tế phát triển ngày càng ít sử dụng Facebook hơn. Theo thống kê trong tài liệu mà Haugen chia sẻ, lượng người dùng hàng ngày ở độ tuổi 18-24 đã "giảm đáng kể từ năm 2012-2013" và "chỉ nhóm người trên 25 tuổi mới có xu hướng tăng".
Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy, "mức độ tương tác đối với thanh thiếu niên ở hầu hết các quốc gia phương Tây và một số quốc gia không thuộc phương Tây đang giảm". Theo cựu quản lý Facebook, mức độ tương tác là chỉ số quan trọng với mạng xã hội, bởi nó liên quan đến thời gian sử dụng nền tảng - yếu tố để thu hút quảng cáo.
Trong lời khai của mình, Haugen mô tả cách Facebook sử dụng Instagram làm "chìa khóa" thu hút người dùng trẻ. Bà khẳng định sẽ không ngạc nhiên nếu mạng xã hội của Mark Zuckerberg quay lại kế hoạch xây dựng ứng dụng cho trẻ em từ 10 đến 12 tuổi, gọi là Instagram Kids, trong tương lai. Trước đó, kế hoạch này bị gác lại sau khi Wall Street Journal đăng nghiên cứu cho thấy Instagram đang có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của người trẻ, nhất là các cô gái tuổi teen.
Ygal Arounian, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu tài chính Wedbush Securities, đánh giá người dùng trẻ rất quan trọng với các công ty truyền thông xã hội, bởi họ sẽ có thời gian đồng hành cùng nền tảng lâu hơn và thu hút các nhà quảng cáo hơn.
Hành vi rời bỏ nền tảng của những người như Coghlan được đánh giá là tín hiệu xấu cho Facebook và Instagram. Theo tài liệu nội bộ được tiết lộ, việc sử dụng Facebook của hầu hết nhóm người dùng đều tăng lên, trong khi nhóm từ 23 tuổi trở xuống tiếp tục giảm.
Trước đó, khảo sát của công ty đầu tư tài chính Piper Sandler với 10.000 thanh thiếu niên Mỹ cũng cho thấy, chỉ 2% số người tham gia nói Twitter và Facebook ứng dụng yêu thích - tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay. Nền tảng họ yêu thích nhất là Snapchat (35%) và TikTok (30%).
Sau tiết lộ của Haugen về cách Facebook chọn cách tối đa hóa lợi nhuận, kiểm soát lỏng lẻo các thông tin sai lệch và nhất là gây tác động xấu đến trẻ em, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà lập pháp nên "xóa sổ" mạng xã hội này.
"Đây là thời điểm then chốt để thúc đẩy giới lập pháp Mỹ hành động để hạn chế tác hại từ Facebook. Trực tiếp quản lý thuật toán của họ rất khó, nhưng có thể ngăn Facebook tận dụng mọi dữ liệu thu thập được cho các thuật toán nội bộ", Evan Greer, Giám đốc tổ chức Fight for the Future, nêu quan điểm trên The Guardian. "Chúng ta cần xóa sổ Facebook, hoặc khiến nó lỗi thời bằng các giải pháp thay thế phi tập trung và do cộng đồng xây dựng".
Kara Alaimo, Phó giáo sư tại Trường Truyền thông Lawrence Herbert tại Đại học Hofstra, nhận định trên CNN: "Nếu không thể từ bỏ nền tảng này ngay lập tức - điều mà thực tế khó xảy ra, đã đến lúc phải nghĩ cách bảo vệ bản thân và người thân, cũng như bắt đầu dựa vào nguồn khác cho niềm vui và sự sáng tạo - như công viên, sở thích, bạn bè... Đây có lẽ là cách duy nhất để khiến công ty nghiêm túc xem xét các mối đe dọa mà họ đang gây ra cho người dùng và nỗ lực khắc phục chúng".
Trong khi đó, Facebook khẳng định không phân chia người dùng theo độ tuổi. Mạng xã hội này ghi nhận lượng người dùng hàng ngày trên toàn thế giới tiếp tục tăng. Riêng quý II/2021, số người dùng mới đã tăng 7% so với quý trước đó. Lượng người dùng hàng ngày, bao gồm Instagram và WhatsApp, tăng 12 % lên gần 2,8 tỷ thành viên.
"Các công ty như Facebook hoạt động trong một không gian mang tính cạnh tranh cao. Chúng tôi luôn nỗ lực để thu hút thế hệ trẻ. Các đối thủ của chúng tôi vẫn làm điều tương tự và sẽ thật vô lý nếu Facebook không làm như vậy", phát ngôn viên Facebook cho biết.
Bảo Lâm tổng hợp