Dự kiến, WHO sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mới nhất thế giới cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam. Tập đoàn này chưa từng sản xuất vaccine nhưng có tiềm lực về tài chính và đã có nguồn nhân lực tốt về y, sinh học.
Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, Bộ Y tế đã vừa đàm phán với một số quốc gia để tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới sản xuất vaccine COVID-19.
Hiện tại, Nhật Bản và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phản hồi sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 cho Việt Nam.
Công nghệ này được coi là bước ngoặt rất lớn trong sản xuất vaccine, giúp đáp ứng miễn dịch diễn ra nhanh, hiệu quả cao. Đây là công nghệ đã được 2 công ty của Mỹ là Pfizer và Moderna sản xuất vaccine COVID-19, có hiệu quả bảo vệ hàng đầu.
Pfizer và Moderna có hiệu quả với nhiều biến thể mới của virus corona.
Theo đó, ngay trong tháng 5, lãnh đạo Bộ Y tế có cuộc họp bàn với WHO về tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine COVID-19.
Sang tháng 6, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đoàn công tác sẽ tới Nhật Bản, trao đổi, đàm phán về việc tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine từ Nhật Bản. Một đơn vị có kinh nghiệm trong sản xất vaccine thuộc Bộ Y tế sẽ tiếp nhận công nghệ này.
Dự kiến, WHO sẽ chuyển giao cho một tập đoàn lớn tại Việt Nam. Tập đoàn này chưa từng sản xuất vaccine nhưng có tiềm lực về tài chính và đã có nguồn nhân lực tốt về y, sinh học. "Điều kiện của Việt Nam đủ khả năng tiếp nhận tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 được chuyển giao", một lãnh đạo của Bộ Y tế đánh giá.
Vậy tập đoàn bí ẩn này là ai?
Theo nhiều phỏng đoán, tập đoàn được nhắc đến là Vingroup . Vì trước đó tập đoàn này đã có những hành động cụ thể về việc đầu tư vào lĩnh vực y tế, sinh học.
Viện dữ liệu lớn VinBigData đã hợp tác với 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y khoa, sinh học phân tử...
Bên trong các phòng Lab nghiên cứu hiện đại, tối tân của Nhà máy VinSmart. Ảnh: Vingroup
Ngày 27/2, tại Bộ Y tế, Tập đoàn Vingroup đã trao 20 tỷ đồng tài trợ Viện Vaccine và sinh phẩm y tế IVAC (trực thuộc Bộ Y tế) nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 COVIVAC.
Trước đó, Tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch như: dự án sản xuất máy thở, hỗ trợ các gói trang thiết bị y tế, máy móc – hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch..., với số tiền lên tới hơn 1.277 tỷ đồng trong năm 2020.
Tháng 4/2020, tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập, không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Vingroup đã ký kết hợp đồng license với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho máy thở xâm nhập nhãn hiệu PB560, đồng thời bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.
Đến tháng 6/2020, Vsmart VFS-510 là mẫu máy thở “made in Vietnam” đầu tiên do Vinsmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) phát triển đã được Bộ Y tế chính thức cấp số đăng ký lưu hành. Hàng chục nghìn máy thở được Vingroup cung cấp cho thị trường trong nước, đồng thời sẵn sàng xuất khẩu, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Máy thở VFS-510 của Vinsmart.
Tuy nhiên, đó chỉ là phỏng đoán của những người hâm mộ Vingroup trước sự "đa năng" của doanh nghiệp này, cũng như từ sự ghép nối các thông tin có vẻ liên quan.
Hiện nay tại Việt Nam có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau.
Đầu tiên là Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vaccine COVID-19 gồm: vaccine sub-unit dựa trên S-protein và vaccine VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp.
Thứ 2 là Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 VABIOTECH sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút Baculo. Tiếp đó là Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa).
Và cuối cùng là Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút Sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vaccine Sởi) và đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vaccine phòng COVID-19 theo công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.
Theo Hải Yến
Doanh nghiệp và tiếp thị