Facebook vừa thực hiện hai vụ kiện riêng biệt nhằm vào các nhóm quảng cáo lừa đảo trực tuyến, một trong đó liên quan đến nhóm người từ Việt Nam.
Trên blog đăng ngày 29/6, Facebook cáo buộc bốn cá nhân cư trú tại Việt Nam, gồm Nguyễn Hữu Thêm, Lê Khang, Nguyễn Quốc Bảo và Phạm Hữu Dung. Theo mạng xã hội này, những người trên đã sử dụng kỹ thuật "đánh cắp cookie" để xâm nhập tài khoản nhân viên các đại lý quảng cáo và tiếp thị, sau đó chạy quảng cáo trái phép.
Facebook ngày càng mạnh tay với vấn đề lừa đảo trên nền tảng của mình. Ảnh: Reuters.
Cụ thể, nạn nhân bị xâm phạm tài khoản sau khi bị lừa cài một ứng dụng lừa đảo có tên "Trình quản lý Quảng cáo cho Facebook" trên Google Play. Ứng dụng này thu thập thông tin đăng nhập của nạn nhân, truy cập tài khoản Facebook của họ và chạy quảng cáo.
Trong một số trường hợp, quảng cáo có nội dung lừa đảo trực tuyến. Theo thống kê của Facebook, số tiền chạy quảng cáo trái phép lên tới 36 triệu USD. Mạng xã hội đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ tăng bảo mật tài khoản.
Một vụ kiện khác nhằm vào công ty tiếp thị N&J USA Incorporated có trụ sở tại Californina (Mỹ) và hai đại diện là Mohit Melwani và Vishaal Melwani. Theo Facebook, doanh nghiệp này đã chạy các quảng cáo gây hiểu lầm nhằm quảng bá việc bán hàng hóa bao gồm quần áo, đồng hồ và đồ chơi. Khi nhấp vào quảng cáo, người dùng được dẫn đến trang web của bên thứ ba để thanh toán cho giao dịch mua. Nhưng sau khi thanh toán, người mua không hề nhận được hàng hoặc hàng chất lượng kém, thậm chí là bị đánh tráo thành sản phẩm khác.
Ngoài ra, để che giấu hành vi, công ty trên cũng chặn những lời phàn nàn và đánh giá tiêu cực của người dùng trên fanpage. Facebook cho biết đã vô hiệu hóa tài khoản và fanpage của công ty này. Đây cũng là vụ kiện đầu tiên về lạm dụng thương mại điện tử của Facebook.
Thời gian qua, Facebook đang mạnh tay hơn với các nội dung sai lệch và lừa đảo. Công ty sử dụng AI và hàng nghìn nhân viên để kiểm duyệt những nội dung này. Thuật toán của Facebook bị đánh giá là còn tồn tại nhiều vấn đề, hoạt động chưa hoàn hảo và nhận diện sai, gây nhầm lẫn.
Bảo Lâm