Theo tờ New York Post ngày 29-5, giáo sư người Anh Angus Dalgleish và nhà khoa học Nauy Birger Sørensen viết rằng họ đã tìm được bằng chứng ban đầu về việc này từ năm ngoái, nhưng bị giới học thuật phớt lờ.
Nghiên cứu của hai chuyên gia trên kết luận “
khả năng virus này là kết quả của quá trình phát triển tự nhiên là rất thấp”.
Theo New York Post, cả hai nhà khoa học trên đều là những chuyên gia có uy tín. Ông Dalgleish là một giáo sư ung thư học ở London, được biết đến với công trình đột phá về vắc xin phòng chống HIV.
Trong khi đó, Sørensen là một nhà virus học và là chủ tịch của Công ty dược phẩm Immunor, công ty đã phát triển một ứng cử viên vắc xin COVID-19 tên là Biovacc-19. Ông Dalgleish cũng có cổ phần trong Công ty Immunor.
Hai nhà khoa học cho biết trong quá trình nghiên cứu vắc xin, họ đã phát hiện “dấu vết đặc biệt” cho thấy virus này không có nguồn gốc tự nhiên. Manh mối này là một hàng 4 axit amin, tạo ra điện tích dương và liên kết với các tế bào âm tính của con người.
“Quy luật tự nhiên là bạn không thể có 4 axit amin dương trên một hàng. Cách duy nhất để có điều này là bạn phải tự tạo ra nó”, ông Dalgleish nói.
Bên cạnh đó, hai nhà khoa học trên cũng xem xét các nghiên cứu về Trung Quốc, một số có phối hợp cùng các đại học của Mỹ, để tìm hiểu cách các công cụ tạo ra virus được phát triển như thế nào.
Họ kết luận rằng phần lớn các nghiên cứu đó sử dụng phương pháp nghiên cứu “phát triển chức năng”. Phương pháp này liên quan đến việc điều khiển các virus tự nhiên trong phòng thí nghiệm để làm cho chúng dễ lây nhiễm hơn, cho phép các nhà khoa học nghiên cứu ảnh hưởng tiềm tàng của chúng đối với con người.
Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, hồi tuần trước đã nói với Quốc hội Mỹ rằng ông không thể biết liệu 600.000 USD tài trợ cho nghiên cứu y tế ở Trung Quốc có được sử dụng để đạt được mục đích nghiên cứu chức năng hay không. Mỹ đã ra lệnh cấm kiểu nghiên cứu như trên từ năm 2014.
“Một đại dịch virus tự nhiên sẽ biến đổi dần dần và trở nên dễ lây nhiễm hơn, nhưng ít gây bệnh hơn. Nhiều người dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ như vậy, nhưng điều đó dường như đã không xảy ra”, hai nhà khoa học Dalgleish và Sørensen viết.
Ngày 9-2, nhóm điều tra chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc đã kết thúc cuộc điều tra tại Vũ Hán mà không cung cấp bất kỳ thông tin sâu nào về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Theo Hãng tin AFP, ông Lương Vạn Niên, chuyên gia thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), tin rằng
SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ động vật nhưng "vật chủ mang mầm bệnh vẫn chưa xác định được".