Nhiều công ty công nghệ Mỹ đang phải đối mặt với quyết định "đi hay ở" tại Hong Kong sau khi khu vực này áp dụng luật an ninh mới.
Dù Hong Kong không phải là thị trường lớn đối với các "ông lớn" công nghệ Facebook, Google và Twitter, đây lại là khu vực trung gian hết sức quan trọng để những công ty này tiếp cận các nhà quảng cáo ở Trung Quốc đại lục - nơi hầu hết dịch vụ của họ bị chặn.
Các công ty công nghệ Mỹ sẽ gặp khó khăn tại Hong Kong sắp tới. Ảnh: Reuters.
Luật an ninh mới tại Hong Kong buộc các công ty hoạt động phải cung cấp dữ liệu cho chính phủ khi có yêu cầu, kể cả nội dung đó đăng ở nước ngoài. Điều này buộc hãng công nghệ lớn của Mỹ phải tính toán và định hình lại doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục hoạt động tại Hong Kong.
"Các doanh nghiệp Mỹ buộc phải đánh giá lại trách nhiệm của mình khi hiện diện tại Hong Kong", Charles Charles, một nhà lập pháp đại diện cho ngành công nghệ Hong Kong, nói với Reuters. "Nếu từ chối hợp tác hoặc không tuân thủ yêu cầu từ chính phủ, các nhà chức trách có thể đưa họ ra tòa, hay nghiêm trọng hơn là phạt tù lãnh đạo công ty".
Trước đó, Facebook, Google và Twitter tuyên bố dừng chia sẻ dữ liệu người dùng với chính quyền Hong Kong sau khi luật an ninh mới đi vào hoạt động. Microsoft và Zoom cũng có động thái tương tự.
Facebook bắt đầu hoạt động tại Hong Kong từ năm 2010 và đã mở văn phòng đại diện tại khu vực này năm ngoái. Theo thống kê năm 2019, mạng xã hội này đã bán các gói quảng cáo cho doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Trung Quốc muốn quảng bá thông điệp ra nước ngoài với tổng trị giá 5 tỷ USD, đa phần thông qua đối tác trung gian ở Hong Kong. Đây cũng là thị trường mang về doanh thu thứ hai cho Facebook sau Mỹ.
Các công ty Mỹ hiện không xa lạ gì với yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng từ chính phủ ở khắp nơi trên thế giới, bởi việc cung cấp nhằm tuân thủ pháp luật địa phương.
Hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để kiểm duyệt là sử dụng kỹ thuật để giới hạn nội dung dựa trên vị trí địa lý ở một quốc gia cụ thể, nhưng không loại bỏ hoàn toàn.
"Nhưng theo luật an ninh mới của Hong Kong, các công ty buộc phải cung cấp mọi thứ, kể cả các nội dung xuyên biên giới nếu chính quyền cảm thấy chúng vi phạm", một nhà phân tích lo ngại. "Yêu cầu dữ liệu về người dùng ở nước ngoài sẽ đặt các công ty vào một vị trí đặc biệt khó khăn".
Francis Fong Po-kiu, Chủ tịch danh dự của Liên đoàn Công nghệ thông tin Hong Kong, cho rằng nếu các công ty Mỹ phải cung cấp nội dung theo luật an ninh mới tại đây, họ có thể bị buộc phải làm điều tương tự ở những quốc gia khác. Điều này sẽ tạo nên tiền lệ vô cùng nguy hiểm.
Nhiều dịch vụ và nội dung từ Mỹ hiện bị cấm tại Trung Quốc nhưng đang hoạt động khá tự do tại Hong Kong. Chẳng hạn, Netflix vẫn chiếu các bộ phim bị Trung Quốc cấm. YouTube của Google cũng là một nền tảng phổ biến của các nhà hoạt động Trung Quốc có quan điểm trái chiều.
"Không ai trong số các công ty này nói rằng họ đã có cách xử lý đúng đắn để ở lại Hong Kong sau khi khu vực này áp dụng luật an ninh. Nếu việc chặn hoặc xóa nội dung không cẩn thận, nguy cơ rất cao là họ có thể bị vướng vào các cuộc chiến liên quan đến chính trị", Duncan Clark, Chủ tịch của công ty tư vấn BDA China, nhận xét. "Do đó, mọi thứ phải được xem xét kỹ lưỡng".
Bảo Lâm (theo Reuters)